Viêm loét dạ dày là một bệnh lý tiêu hoá rất phổ biến ở nước ta. Nếu bệnh được phát hiện ở thời kỳ đầu có thể dễ dàng chữa dứt điểm. Tuy nhiên, khi đã chuyển sang giai đoạn mãn tính thì việc chữa trị gặp nhiều khó khăn.
Viêm loét dạ dày là gì?
Viêm loét dạ dày là tình trạng xuất hiện những vết tổn thương, viêm loét trên niêm mạc dạ dày.
Bình thường, dạ dày của bạn có một lớp màng nhầy nằm trên niêm mạc. Lớp chất nhầy này có vai trò bảo vệ niêm mạc dạ dày của bạn khỏi axit mạnh.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà lớp màng này bị suy yếu. Dẫn tới axit dịch vị, men tiêu hoá,… có thể tấn công niêm mạc dạ dày và gây viêm loét.
Đây là bệnh lý phổ biến, ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Bệnh có thể xuất hiện đột ngột ( viêm dạ dày cấp tính ) hoặc xuất hiện từ từ dai dẳng ( viêm loét dạ dày mãn tính ). Trong một số trường hợp, tình trạng viêm loét này có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Do vậy, bệnh cần được phát hiện, điều trị và kiểm soát hợp lý.
Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày
Tình trạng viêm loét có thể xuất hiện do một số nguyên nhân nhân phổ biến như:
- Nhiễm khuẩn đường tiêu hoá. Đặc biệt là nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori ( vi khuẩn HP )
- Do tác dụng phụ của một số thuốc giảm đau. Như aspirin, ibuprofen, naproxen,…
- Thường xuyên sử dụng rượu bia và các chất kích thích như cà phê, thuốc lá,…
- Căng thẳng, stress kéo dài
- Một số tình trạng y tế khác như rối loạn hệ miễn dịch, HIV/AIDS, bệnh Crohn,…
Tuỳ từng nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ lựa chọn những phương pháp điều trị phù hợp.
Dấu hiệu và triệu chứng viêm dạ dày
Bệnh có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng như:
- Đau bụng vùng thượng vị ( vùng trên rốn ). Mức độ đau có thể khác nhau ở từng người, tuy nhiên cơn đau thường tăng lên khi ăn no.
- Ợ hơi, ợ chua
- Buồn nôn
- Đầy bụng, khó tiêu sau khi ăn uống
- Các triệu chứng khác như chán ăn, ăn không ngon, giảm cân,..
Hầu như các trường hợp mắc viêm dạ dày thường bị kích ứng dạ dày và gặp khó tiêu. Bạn nên đi khám nếu gặp các dấu hiệu và triệu chứng kể trên.
Viêm loét dạ dày có nguy hiểm không?
Nếu tình trạng viêm loét không được điều trị, các yếu tố có hại liên tục tấn công dạ dày thì bệnh có thể diễn biến xấu và gây ra các triệu chứng nguy hiểm. Bao gồm:
- Xuất huyết dạ dày. Tình trạng viêm loét nặng có thể gây chảy máu tại dạ dày, người bệnh có thể nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen. Nếu lượng máu bị mất nhiều có thể khiến người bệnh bị thiếu máu.
- Thiếu máu ác tính. Ngoài nguyên nhân xuất huyết dạ dày, ở người bệnh có viêm dạ dày tự miễn có thể ảnh hưởng đến việc hấp thụ vitamin B12 của cơ thể. Bạn có nguy cơ bị thiếu máu ác tính nếu không nhận đủ vitamin B12 để tạo ra các tế bào hồng cầu khỏe mạnh.
- Thủng dạ dày. Các ổ loét có thể ăn sâu vào các lớp bên trong của dạ dày và gây thủng dạ dày. Thủng dạ dày có thể làm tràn dịch trong dạ dày vào ổ bụng, đem theo vi khuẩn lây lan và gây nhiễm trùng huyết, viêm phúc mạc,… Các tình trạng này đều có thể dẫn tới tử vong.
- Ung thư dạ dày. Tình trạng viêm loét có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày lên gấp nhiều lần so với thông thường.
Điều trị bệnh
Việc điều trị viêm dạ dày phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh cụ thể. Đối với trường hợp bị viêm loét do dùng thuốc chống viêm hoặc do rượu bia thì có thể cải thiện bằng cách ngừng sử dụng chất đó.
Thuốc trị viêm loét dạ dày
- Thuốc kháng sinh. Dùng trong các trường hợp nguyên nhân gây viêm dạ dày là do nhiễm khuẩn. Đối với vi khuẩn HP, bác sĩ có thể sử dụng kết hợp các loại kháng sinh với nhau để tăng hiệu quả. Bao gồm: clarithromycin, amoxicillin, metronidazole,… Cần sử dụng thuốc kháng sinh theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh hiện tượng nhờn thuốc.
- Thuốc ức chế bơm proton giúp giảm sản xuất axit dạ dày. Bao gồm các thuốc như omeprazole, lansoprazole, rabeprazole, esomeprazole, dexlansoprazole,… Lưu ý sử dụng thuốc ức chế bơm proton trong thời gian dài với liều cao có thể làm tăng nguy cơ gãy xương hông, cổ tay và cột sống,…
- Thuốc kháng histamin H2 giúp ức chế tiết axit vào dạ dày, giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh. Bao gồm các thuốc như cimetidin, famotidin,… Các tác dụng phụ có thể bao gồm táo bón, tiêu chảy,…
Thay đổi lối sống
Bên cạnh việc sử dụng các thuốc trị bệnh thì thay đổi lối sống lành mạnh cũng là giải pháp giúp cải thiện bệnh hiệu quả. Bạn có thể tham khảo một số hướng dẫn sau:
- Chia các bữa ăn thành những bữa nhỏ hơn, tránh ăn quá no
- Hạn chế tiêu thụ các thức ăn có tính kích thích dạ dày. Như thực phẩm chua, cay nóng, đồ ăn nhiều chất béo, rượu bia, cà phê, nước ngọt có gas, đồ ăn sống,…
- Cân nhắc chuyển loại thuốc giảm đau. Nếu bạn đang sử dụng các thuốc giảm đau có nguy cơ làm tăng nguy cơ mắc bệnh thì bạn có thể hỏi bác sĩ xem liệu có thể thay thế thuốc khác được hay không.
- Tránh căng thẳng, stress quá mức
- Không nên nằm ngay sau khi ăn
Đa số các trường hợp viêm loét dạ dày đều được cải thiện nhanh chóng khi điều trị. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý những thay đổi về lối sống sinh hoạt giúp cải thiện tình trạng bệnh. Đồng thời giảm nguy cơ viêm loét tái phát. Chúc bạn sức khỏe!