Ợ nóng là một trong những tình trạng khiến nhiều người gặp phải khó chịu. Thông thường không đáng ngại, nhưng trong một số trường hợp chúng lại là dấu hiệu của các tình trạng bệnh lý, trong đó có trào ngược dạ dày.
Ợ nóng là gì?
Ợ nóng là cảm giác nóng rát ở ngực, ngay sau xương ức. Cảm giác khó chịu này có thể di chuyển lên cổ và họng. Đây là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh trào ngược dạ dày.
Cảm giác ợ nóng có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ. Thường nặng hơn sau khi ăn, vào buổi tối, khi nằm xuống hoặc cúi người xuống. Tình trạng này xảy ra thường xuyên có thể gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của bạn.
Nếu bạn không thường xuyên gặp triệu chứng này thì không cần lo lắng. Tuy nhiên, nếu bạn bị ợ nóng thường xuyên và nghiêm trọng thì đây có thể là dấu hiệu trào ngược dạ dày mãn tính. Cần sớm thăm khám và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây ợ nóng
Để biết được nguyên nhân gây ra chứng ợ nóng, chúng ta cần hiểu được các hoạt động của thực quản và dạ dày khi tiêu hoá thức ăn.
Bình thường, khi chúng ta nuốt thức ăn, thức ăn sẽ di chuyển từ miệng, họng đến thực quản. Thức ăn từ thực quản xuống dạ dày thông qua sự đóng mở nhịp nhàng của cơ vòng thực quản dưới ( tâm vị ).
Cơ vòng thực quản dưới mở ra cho phép thức ăn từ thực quản đi xuống dạ dày. Sau đó đóng lại để ngăn hiện được các chất trong dạ dày trào ngược lên thực quản.
Tuy nhiên, khi cơ vòng thực quản dưới bị suy yếu và giãn ra cho phép các chất trong dạ dày trào ngược lên thực quản. Dịch dạ dày chứa axit khi tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc thực quản, họng có thể gây bỏng rát. Từ đó bạn có hiện tượng ợ nóng.
Một số yếu tố có thể gây ra tình trạng này bao gồm:
- Thai kỳ
- Thoát vị cơ Hiatal
- Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc, đặc biệt là Aspirin
- Thói quen ăn uống và sinh hoạt không khoa học. Như ăn xong nằm luôn, thường xuyên ăn các đồ cay nóng, chất kích thích như rượu bia, nước ngọt có gas,…
Tuỳ từng nguyên nhân mà có các phương pháp xử trí phù hợp.
Những yếu tố ảnh hưởng
Chứng ợ nóng có thể tái phát hoặc nặng nề thêm khi có sự tác động của một số yếu tố. Các yếu tố này có thể khác nhau ở từng người. Một số người bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống không hợp lý. Trong khi những người khác lại bị ảnh hưởng bởi thói quen sinh hoạt.
Một số thực phẩm ảnh hưởng đến chứng ợ nóng thường gặp:
- Gia vị cay nóng như Hành, tỏi, ớt, tiêu, mù tạt,…
- Trái cây có múi và chua như cam, chanh, bưởi, dứa,…
- Thực phẩm chứa nhiều chất béo, đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh.
- Cà chua và các chế phẩm từ cà chua như tương cà, sốt cà chua,…
- Đồ uống có cồn như rượu, bia
- Nước ngọt có gas
- Cà phê
- Socola
- Bạc hà
Các thói quen sinh hoạt có thể gây chứng ợ nóng như:
- Ăn quá nhiều
- Thừa cân, béo phì
- Hút thuốc lá
- Thường xuyên bị stress, căng thẳng quá độ
- Mặc quần áo chật, đặc biệt là chật vùng thắt lưng
- Ăn xong nằm ngay, ăn gần giờ đi ngủ
Điều trị chứng ợ nóng
Tuỳ thuộc vào từng nguyên nhân mà chúng ta có cách trị ợ nóng phù hợp.
Nếu bạn thường xuyên bị ợ nóng nghiêm trọng, bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh. Bởi đa số các trường hợp, ợ nóng được gây ra bởi trào ngược dạ dày. Trào ngược dạ dày cần được điều trị và kiểm soát, bởi bệnh có thể dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng khác. Như viêm loét thực quản, hẹp thực quản, barrett thực quản hay thậm chí là ung thư thực quản.
Thông thường, ợ nóng có thể điều trị được tại nhà bằng sử dụng thuốc và thay đổi lối sống lành mạnh.
Một số loại thuốc thường sử dụng để trị chứng ợ nóng như:
- Thuốc kháng axit. Thuốc giúp trung hoà axit dịch vị dạ dày và làm giảm chứng ợ nóng nhanh chóng. Một số thuốc sử dụng phổ biến trên thị trường hiện nay như Maalox, Tums, Rolaids,… Tuy nhiên, không nên sử dụng kéo dài do có nguy cơ gây tác dụng phụ.
- Thuốc giảm tiết axit. Có 2 nhóm thuốc có thể được sử dụng để làm giảm sự sản xuất axit dạ dày. Bao gồm thuốc ức chế bơm proton ( như omeprazol, esomeprazol, lansoprazol,…) và thuốc kháng Histamin H2 ( cimetidin, nizatidine,… ). Thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nếu bạn sử dụng kéo dài và không đúng cách. Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng.
Cách ngăn ngừa
Bạn hoàn toàn có thể ngăn ngừa chứng ợ nóng xuất hiện bằng cách xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh. Hãy thử áp dụng các mẹo sau:
- Nên ăn với lượng vừa phải, tránh ăn quá nhiều trong một bữa. Bạn có thể chia bữa ăn thành 4 – 5 bữa ăn nhỏ tùy thuộc vào nhu cầu.
- Hạn chế nằm ngay sau khi ăn. Nên đi lại nhẹ nhàng hoặc ngồi ít nhất 3 tiếng trước khi đi ngủ.
- Ăn chậm, nhai kỹ. Hạn chế ăn cơm chan canh.
- Tránh các thực phẩm có thể gây bùng phát chứng ợ nóng
- Giảm cân và duy trì cân nặng hợp lý nếu như bạn có cả tình trạng thừa cân, béo phì.
- Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái
- Bỏ thuốc lá
- Ngủ nghiêng về bên trái và nâng cao đầu giường khi ngủ. Bạn có thể nâng cao đầu giường từ 15 – 20 cm so với bình thường. Hoặc bạn có thể sử dụng các loại gối chống trào ngược chuyên dụng.
Như vậy, Ợ nóng là một tình trạng khiến người gặp phải khó chịu. Không những thế, đây còn là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ gặp các bệnh lý liên quan. Do đó, bạn nên đến bệnh viện thăm khám để biết được chính xác vấn đề của mình. Từ đó có phương pháp cải thiện hợp lý, tránh để bệnh ảnh hưởng đến sức khoẻ!